Ngày nay, sự xâm nhập của Công Nghệ Thông Tin vào Y Học đã mang lại những bước tiến mới trong Y Học. Điển hình là sự ra đời của nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Các phương pháp này ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tốt hơn. Một trong những phương pháp như vậy là phương pháp chụp cắt lớp vi tính CT.

1. Giới thiệu:

CT là từ viết tắt của thuật ngữ Computed Tomography. Tomography là phương pháp chụp ảnh cắt lớp; Computed Tomography mang ý nghĩa là chụp cắt lớp với sự hỗ trợ của máy tính. Đây là phương pháp tạo ảnh dựa vào tính chất hấp thụ tia X của vật chất. Cùng với các phương pháp tạo ảnh khác như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính CT giúp cho ta “nhìn thấy” các cơ quan bên trong của con người mà không phải thực hiện phẫu thuật.

2. Ứng dụng của chụp CT:

CT được ứng dụng rất rộng rãi trong chẩn đoán lâm sàng cũng như trong sinh thiết.

CT được dùng để chẩn đoán các phần cứng của cơ thể bị tổn thương như: sọ não, cột sống, xương… Trong tất cả các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện nay thì CT cho hình ảnh về các phần cứng của cơ thể rõ nhất.

CT còn được dùng để chẩn đoán ung thư, giúp phát hiện sớm khối u. Chụp CT có tiêm cản quang có thể giúp cho bác sĩ đánh giá sự phát triển và sự di căn của khối u.

Các bệnh về tim mạch như tắc nghẽn mạch máu, các dị tật của tim…có thể được phát hiện bởi CT. CT được dùng trong nha khoa, nhi khoa, nhãn khoa hay để thực hiện nội soi ảo dùng kỹ thuật tạo ảnh 3D với sự hỗ trợ của máy tính.

Ngoài ra, CT còn dùng để trợ giúp sinh thiết như sinh thiết tuyến tiền liệt, sinh thiết ung thư vú, sinh thiết cổ tử cung…

3. Nguyên lý của CT:

Trong máy CT có một nguồn phát ra tia X. Nguồn phát tia X này có thể xoay tròn quanh bộ phận cần chụp. Tia X sẽ chiếu qua bệnh nhân và đến được các đầu dò (detector). Tia X khi chiếu qua bệnh nhân sẽ bị hấp thụ một phần bởi các cơ quan. Tuỳ theo cấu tạo của các cơ quan khác nhau, mà mức độ hấp thụ tia X sẽ khác nhau. Trong cơ thể, xương sẽ hấp thụ tia X nhiều nhất, còn mô mềm sẽ hấp thụ ít hơn. (Hình 1).

Hình 1: Sơ đồ khối của hệ thống máy quét CT

Đầu dò sẽ chuyển năng lượng tia X thành các tín hiệu điện. Các đầu dò có thể là đầu dò dùng khí hiếm, hay làm bằng bán dẫn. Tín hiệu từ đầu dò sẽ được đưa đến máy tính để xử lý. Máy tính sẽ dùng các thuật toán để tái tại lại hình ảnh của phần cơ thể được chụp và hiển thị cho bác sĩ.

Trong thế hệ CT mới của hãng Siemen, máy CT có hai nguồn phát tia X. Thiết bị mới này sẽ cho hình ảnh tốt hơn và giảm bớt ảnh hưởng đến bệnh nhân.

4. Ưu và khuyết điểm của CT:

Một ưu điểm lớn nhất của CT là cho phép khảo sát các phần xương có cấu trúc tinh tế. Phương pháp chụp cộng hưởng từ, kí hiệu MRI (magnetic resonance imaging) không tỏ ra hữu hiệu trong trường hợp này. Hình ảnh CT cho chất lượng rất tốt. Vì vậy, hiện nay người ta kết hợp CT với phương pháp PET (dùng để tạo ảnh chức năng) để tạo ra máy quét CT/PET vừa cho hình ảnh giải phẫu vừa khảo sát được chức năng của các cơ quan.

Tuy nhiên, CT sử dụng tia X có tác hại xấu đối với sức khoẻ của bệnh nhân. Tia X có khả năng gây ion hoá tế bào, và với lượng lớn có thể gây ung thư. Ngoài ra, giá cả của mỗi lần chụp CT là rất đắt.

5. Hướng phát triển của CT:

Trước đây, CT chỉ có một dãy đầu dò. Nhưng hiện nay, số lượng đầu dò trong các thiết bị CT tăng lên rất nhiều cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin. Ở Việt Nam, nhiều cơ sở đã đưa vào sử dụng CT đa lớp cắt (Multi-slice computed tomography) như Trung tâm chẩn đoán Medic (Tp HCM): 64 lớp cắt hiệu Toshiba; Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): 64 lớp cắt.

Trong nỗ lực giảm ảnh hưởng của tia X lên bệnh nhân và thu hình ảnh tốt hơn, hãng Siemen (Đức) đã giới thiệu thế hệ máy CT mới (2005) dùng hai nguồn phát tia X. Đây là một bước tiến quan trọng trong kỹ thuật chụp ảnh cắt lớp CT, và mang lại khả năng ứng dụng rộng hơn nữa CT trong y học, đặc biệt trong việc chẩn đoán các bệnh về tim.